TIN TỨC HOẠT ĐỘNG CHUNG CỦA PHƯỜNG TIN TỨC HOẠT ĐỘNG CHUNG CỦA PHƯỜNG

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG MÔ HÌNH “TỔ LIÊN GIA AN TOÀN PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY” TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG THỔ QUAN
Publish date 11/05/2023 | 14:10  | View Count: 342

Tiêu chí thành lập Tổ liên gia: Mỗi tổ liên gia gồm từ 05 hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh liền kế trở lên, trong đó có 100% hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, nổ tại khu dân cư.

I. Lực lượng tại chỗ:

* Đối tượng, lực lượng để xây dựng mô hình:

- Đối tượng: Người dân thường xuyên sinh sống, làm việc tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, khu dân cư, có đủ sức khỏe và đáp ứng các tiêu chí cơ bản sau:

+ Có kiến thức PCCC và CNCH, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn và sử dụng phương tiện, thiết bị PCCC được trang bị tại hộ gia đình (người tham gia lực lượng dân phòng có Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH theo quy định);

+ Tích cực tham gia hoạt động PCCC tại địa bàn, khu dân cư.

II. Phương tiện tại chỗ:

2.1.Đối với các hộ gia đình tham gia tổ liên gia:

- Trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay (loại bình bột ABC hoặc bình khí C02) , ít nhất 01 dụng cụ phá dỡ (căn cứ theo điều kiện thực tế, có thể trang bị thêm mặt nạ phòng độc, dây cứu người, thang dây, máy bơm nước ,… ) ;

- Đối với các hộ gia đình để ở, kết hợp sản xuất, kinh doanh trang bị phương tiện thiết bị PCCC và CNCH bảo đảm theo quy định của TCVN 3890:2009.

2.2. Điều kiện xây dựng, duy trì mô hình:

- Có quy chế hoạt động của tổ liên gia (phân công nhiệm vụ tổ trưởng, tổ viên, chủ hộ gia đình , người dân sinh sống tại các hộ gia đình; chế độ hoạt động…) .

-Trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH:

(1)Vận động mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay (loại bình bột ABC hoặc bình khí CO2) và tối thiểu 01 dụng cụ phá dỡ (xã beng, kim cộng lực, búa, rìu,…) . Các phương tiện để ở nơi quy định (dễ thấy, dễ lấy).

(2) Có hệ thống nút ấn (sử dụng công tắc điện hoặc nút ấn báo cháy) , thiết bị báo sự cố cháy bằng âm thanh, ánh sáng:

* Nút ấn:

a) Nút ấn lắp ở bên trong hộ gia đình:

- Có ít nhất 01 nút ấn tại khu vực sản xuất, kinh doanh (gian phòng, khu vực thường xuyên có người làm việc; trên đường, hành lang thoát nạn);

- Có ít nhất 01 nút ấn tại khu vực sử dụng để ở (trên đường, hành lang, sảnh thoát nạn; gần cửa vào phòng ngủ hoặc trong phòng ngủ).

b) Nút ấn lắp ở bên ngoài hộ gia đình:

Căn cứ điều kiện thực tế, có thể lắp đặt nút ấn tại cửa của từng hộ gia đình hoặc 01 nút ấn dùng chung cho nhiều hộ gia đình trong tổ liên gia (mỗi nút ấn sử dụng chung cho không quá 05 hộ gia đình).

c) Yêu cầu lắp đặt:

- Nút ấn được lắp đặt trên tường, cấu kiện xây dựng của nhà ở độ cao từ 1,5m - 2m.

- Vị trí lắp đặt phải bảo đảm dễ thao tác; có biện pháp chống mưa hắt cũng như các tác động từ môi trường, tác động ngoài ý muốn.

*Chuông, còi báo sự cố cháy bằng âm thanh (chuông hoặc còi báo động)

- Có ít nhất 01 chuông (còi) lắp ở bên trong nhà tại vị trí phù hợp (sảnh, hành lang tầng gần khu vực phòng ngủ, thường xuyên tập trung đông người…) để người ở bất kỳ gian phòng, tầng nhà nghe được âm thanh báo động. Chiều cao lắp đặt thiết bị từ 2,5m - 3m.

Lưu ý:  Mức cường độ âm ở tất cả các vị trí cần lớn hơn mức áp suất âm thanh của môi trường xung quanh ít nhất 10 dBA; đối với các khu vực ngủ phải lớn hơn mức áp suất âm thanh của môi trường xung quanh ít nhất 15 dBA (với điều kiện các cửa ra vào đều đóng).

- Nguyên tắc hoạt động: Khi nhấn 01 nút ấn của bất kỳ trong tổ liên gia, tất cả chuông (còi) báo động tại các hộ gia đình cùng hoạt động, chỉ ngắt cưỡng bức bằng tay (đối với nút ấn ngoài nhà có thể sử dụng loại nút ấn chuông ngắt ngay sau khi ngừng tác động).

* Đèn báo sự cố (đèn chiếu sáng, đèn chớp, đèn báo cháy…)

- Có 01 đèn chiếu sáng lắp ở bên ngoài của hộ gia đình (phía trên cửa ra vào tại tầng 1 hoặc lô gia, ban công tầng trên); vị trí lắp đặt đèn bảo đảm dễ nhận biết, có biện pháp chống mưa hắt cũng như các tác động từ môi trường.

- Nguyên tắc hoạt động: Khi nhấn nút ấn bên trong hộ gia đình nào thì đèn báo sự cố tại hộ gia đình đó hoạt động.

* Dây dẫn, nguồn cấp cho hệ thống

- Tính toán, lựa chọn tiết diện dây dẫn điện phải bảo đảm cấp nguồn cho tất cả chuông (còi) và đèn báo cháy của hộ gia đình trong tổ liên gia cùng hoạt động, nhất là chuông (còi), đèn của hộ gia đình ở cuối tuyến.

- Nguồn điện cấp cho hệ thống được đấu nối trước cầu dao tổng của hộ gia đình.

* Hệ thống nút ấn, thiết bị báo sự cố cháy không dây (hệ thống chuông báo không dây hoặc hệ thống báo cháy không dây)

- Việc lắp đặt hệ thống nút ấn, thiết bị báo sự cố cháy không dây tương tự như hướng dẫn tại mục 2.3.1 đến mục 2.3.2 Phụ lục này, trong đó hệ thống gồm 2 bộ phận là bộ phát tín hiệu (nút nhấn) và bộ thu tín hiệu (chuông báo):

+ Bộ phát tín hiệu là 1 thiết bị có nút ấn và bộ phát tín hiệu

+ Bộ thu tín hiệu là một thiết bị có bộ thu tín hiệu và chuông phát ra âm thanh hoặc có đèn báo sự cố kèm theo.

+ Khoảng cách lắp đặt giữa bộ phận phát và thu tín hiệu phải thực hiện theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất; sau khi lắp đặt phải kiểm tra, thử nghiệm để bảo đảm để bộ phận thu tín hiệu tại hộ gia đình xa nhất nhận được tín hiệu và chuông, đèn hoạt động tốt.

- Nguồn điện: Hệ thống hoạt động nhờ pin nhỏ với điện áp 1 chiều 12V và độ tĩnh điện nhỏ hơn 0,45 mA, nên sẽ giúp tiết kiệm pin, đây là mức điện năng thấp, giúp cho tuổi thọ của pin được lâu hơn.

- Cơ chế hoạt động:

+ Hệ thống nút ấn, thiết bị báo sự cố cháy không dây của các hộ gia đình trong tổ liên gia được cài đặt chung 01 tần số hoạt động.

+ Khi nhấn 01 nút ấn của bất kỳ trong tổ liên gia, tín hiệu sẽ được truyền từ bộ phát tới bộ thu lắp đặt tại các hộ gia đình và bộ thu sẽ phát ra tín hiệu âm thanh, ánh sáng báo động.

(3) Thành viên trong hộ gia đình chủ động học tập, nghiên cứu kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH; thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định, quy chế hoạt động của tổ liên gia, biết cách sử dụng phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, biết cách thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; cài đặt và sử dụng thành thạo ứng dụng Báo cháy 114 (lưu ý: Cập nhật danh sách thành viên trong Tổ liên gia để sử dụng tính năng “Tôi an toàn”, thông báo an toàn khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố).

2.3.Thực hiện các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH:

- Mỗi hộ gia đình thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC )bố trí mặt bằng, hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng đảm bảo an toàn về PCCC; sắp xếp vật dụng, thiết bị, chất cháy gọn gàng, không cản trở lối và đường thoát nạn, không để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, ổ cắm điện, aptomat, cầu dao, thiết bị tiêu thụ điện có sinh nhiệt).

- Mỗi hộ gia đình chuẩn bị sẵn sàng các phương án thoát nạn (qua cửa chính, cửa phụ, qua ban công, qua nhà hàng xóm liền kề, lối lên mái, sử dụng thang dây,…) phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra và phổ biến đến tất cả các thành viên trong gia đình.

- Thành viên trong các hộ gia đình chủ động học tập, nghiên cứu kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH; thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định, quy chế hoạt động của Tổ liên gia, biết cách sử dụng phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, biết cách thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

III. Chỉ huy tại chỗ

3.1. Chỉ huy chữa cháy

- Chủ hộ gia đình, Tổ trưởng tổ liên gia, Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Đội trưởng Đội dân phòng (tại khu dân cư) hoặc người được uỷ quyền chịu trách nhiệm trong thời gian những người này vắng mặt để thực hiện công tác PCCC và CNCH, chỉ huy chữa cháy...

- Người chỉ huy chữa cháy phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

3.2. Về tổ chức hoạt động:

- Chủ hộ gia đình và các thành viên trong tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC và thoát nạn đối với hộ gia đình mình. Tổ trưởng tổ liên gia định kỳ (06 tháng/lần) kiểm tra việc thực hiện các điều kiện PCCC tại các hộ gia đình tỏng tổ liên gia.

-Định kỳ (06 tháng hoặc 01 năm/lần) tổ chức họp tổ liên gia để phổ biến kiến thức PCCC, CNCH và năm tình hình thực hiện công tác PCCC của các hộ gia đình. Tổ chức họp đột xuất rút kinh nghiệm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tại Tổ liên gia.

IV.Về hậu cần tại chỗ

4.1.Sự chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí, điều kiện cần thiết phục vụ công tác PCCC và CNCH, cụ thể:

- Đối với nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và quy định của UBND thành phố về điều kiện PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

- Đối với cơ sở hoạt động trong khu dân cư: Thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, tham gia chữa cháy khi được huy động.

- Đối với khu dân cư: Thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng để chữa cháy kịp thời các vụ cháy, nổ tại khu dân cư.

V.Xử lý tình huống cháy, nổ

Khi xảy ra cháy, nổ tại hộ gia đình bất kỳ trong tổ liên gia, các bước xử lý cụ thể như sau:

- Người phát hiện cháy, nổ, tai nạn, sự cố ấn chuông báo động cho các hộ gia đình biết; báo cháy cho lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH (qua số máy 114 hoặc App báo cháy 114), UBND hoặc Công an cấp xã.

- Thành viên của các hộ gia đình trong tổ liên gia sử dụng phương tiện chữa cháy, dụng cụ phá dỡ của gia đình tham gia chữa cháy, cứu người bị nạn.

- Tổ trưởng Tổ liên gia chỉ huy chữa cháy, cứu người bị nạn, thông báo cho lực lượng dân phòng, Công an phường, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; báo cáo tình hình vụ việc và bàn giao lại quyền chỉ huy khi lực lượng dân phòng, Công an phường hoặc lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH có mặt.