TIN TỨC HOẠT ĐỘNG CHUNG CỦA PHƯỜNG TIN TỨC HOẠT ĐỘNG CHUNG CỦA PHƯỜNG

Khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC đối với cơ sở sản xuất và kinh doanh hóa chất
Ngày đăng 11/07/2023 | 14:40  | Lượt xem: 508

Hóa chất có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các ngành kinh tế và mọi hoạt động của đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, thương mại, y tế, khoa học công nghệ và giáo dục.

Khi các hoạt động sản xuất kinh tế và đời sống xã hội càng phát triển, thì nhu cầu sử dụng hóa chất cũng ngày càng tăng lên. Hoạt động hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, sự cố hóa chất có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào và khi xảy ra, sự cố hóa chất luôn tiềm ẩn khả năng phát triển thành sự cố ở quy mô lớn, có tác động trên phạm vi rộng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, kinh tế, tài sản và môi trường xung quanh. Những sự cố cháy, nổ hóa chất hầu hết đều gây ô nhiễm môi trường do các chất độc hại khuếch tán vào không khí hoặc nguồn nước, sau đó thẩm thấu vào đất, gây nguy hại tới sinh vật và con người trực tiếp hoặc lâu dài. Đặc tính hóa chất chủ yếu mang tính cháy nổ, kích ứng, độc và ăn mòn. Các vụ cháy, nổ hoặc sự cố rò rỉ hóa chất đều gây ô nhiễm môi trường cấp, cục bộ hoặc lâu dài; ở mức độ nghiêm trọng có thể trở thành sự cố môi trường hoặc thảm họa môi trường.

Có thể thấy, trong quá trình bảo quản, sản xuất, kinh doanh các loại hóa chất tại các cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay còn nhiều vấn đề hạn chế về công tác đảm bảo an toàn sản xuất nói chung và an toàn về cháy, nổ nói riêng; để đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình sản xuất, bảo quản, sử dụng hóa chất, chủ động phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ tại các cơ sở này, Công an quận Thanh Xuân khuyến cáo một số biện pháp đảm bảo an toàn PCCC sau:

1. Cần nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong các cơ sở trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCCC

2. Thực hiện nghiêm chỉnh những điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy: Mỗi cơ sở kinh doanh hóa chất phải có hồ sơ quản lý về PCCC; xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phương án ứng phó sự cố hóa chất và tổ chức thực tập định kỳ theo quy định.

3. Người đứng đầu cơ sở, cán bộ, công nhân viên làm việc tại các cơ sở hóa chất phải được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và huấn luyện kỹ thuật an toàn về hàng nguy hiểm. Biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh.

4. Trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp về chủng loại, số lượng các cơ sở hóa chất, ngoài ra cần phải trang bị phương tiện phòng chống độc phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bảo dưỡng lại các trang bị thiết phương tiện PCCC và có kế hoạch cụ thể phân công đủ lực lượng thường trực bảo vệ 24/24.

5. Yêu cầu thực hiện đảm bảo và duy trì liên tục các điều kiện về giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách PCCC, giải pháp ngăn cháy lan, điều kiện an toàn PCCC của cơ sở đảm bảo theo đúng quy định của Pháp luật, cụ thể:

Quy định về trang thiết bị bảo quản, lưu trữ

- Kết cấu công trình phải đảm bảo khô ráo, không thấm, dột; hóa chất nguy hiểm phải để trong kho (sắp xếp, phân khu theo tính chất nguy hiểm của từng loại hóa chất); niêm yết biển báo, biển cấm tại những nơi dễ thấy.

- Khi xếp hóa chất trong kho phải đảm bảo: Đối với hàng đóng phải xếp trên bục hoặc giá đỡ, cách tường ít nhất 0,5m (hóa chất kỵ ẩm phải xếp trên bục cao tối thiểu 0,3m); hóa chất dạng lỏng phải chứa trong phuy, can, hóa chất dạng khí phải chứa trong bình chịu áp lực và phải được sắp xếp bảo quản theo quy định; các lô hàng không được xếp sát trần kho và không cao quá 2m; duy trì lối đi chính trong kho phải rộng tối thiểu 1,5m; không được để các bao bì đã dùng, các vật liệu dễ cháy ở trong kho.

- Việc sản xuất phải đảm bảo các trình tự theo quy định. Trường hợp xảy ra sự cố, chỉ những người hiểu rõ tính chất nguy hiểm của hóa chất và biết phương pháp xử lý, có đủ phương tiện bảo vệ cá nhân mới được xử lý.

- Đối với thiết bị, bao bì: Thiết bị, dụng cụ làm việc trong khu vực hóa chất dễ cháy, nổ đều phải làm bằng vật liệu không phát sinh tia lửa do ma sát hay va đập; Vật chứa, bao bì phải đảm bảo kín và chắc chắn; bao bì khi dùng hết phải bảo quản riêng (trường hợp sử dụng lại bao bì phải làm sạch, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến hóa chất mới hoặc gây nguy hiểm). Vật liệu kê, đậy phải được đánh dấu để phân biệt từng loại hóa chất, không được dùng lẫn lộn. Vật chứa, bao bì chứa đựng hàng hóa chất nguy hiểm phải có nhãn hàng hóa theo quy định. Nhãn hàng hóa, hóa chất phải đảm bảo rõ, dễ đọc và không bị rách. Trường hợp nhãn bị mất, không phân biệt được là chất gì, phải phân tích, xác định rõ tên và thành phần chính của hóa chất và bổ sung nhãn mới trước khi đưa ra lưu thông hoặc đưa vào sử dụng.

Quy định trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng

Với hóa chất dễ cháy, nổ:

- Phải thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật để đảm bảo hỗn hợp, khí, hơi bụi của các hóa chất này với không khí luôn ngoài vùng giới hạn cháy, nổ theo quy định.

- Nơi sản xuất, sử dụng hóa chất dễ cháy, nổ phải có các buồng phụ. Các buồng phụ này phải cách ly với buồng chính bằng các cấu kiện đảm bảo ngăn chặn theo quy định.

- Ngoài phương tiện PCCC thông thường, phải trang bị thêm các phương tiện bảo vệ cá nhân chống độc thích hợp khi chữa cháy.

- Có quy định chặt chẽ về chế độ sử dụng các vật dụng sinh lửa, sinh nhiệt.

- Không để hóa chất dễ cháy, nổ cùng chỗ với các chất duy trì sự cháy (như oxy hoặc các chất nhả oxy...). Đường ống dẫn hóa chất dễ cháy, nổ không đi chung với giá đỡ đường ống oxy, không khí nén.

- Khi san rót hóa chất dễ cháy, nổ từ bình này sang bình khác, phải tiếp đất bình chứa và bình rót.

- Cấm để thiết bị, đường ống chứa hóa chất dễ cháy, nổ gần nguồn phát nhiệt; đối với trường hợp có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, phải có biện pháp hạ nhiệt (sơn phản xạ hoặc tưới nước...).

- Không được đun nóng hóa chất lỏng dễ cháy bằng ngọn lửa trực tiếp. Chỉ được mở nắp sau khi đã đun xong và hỗn hợp bên trong đã đủ nguội.

- Khi pha dung môi vào khối hóa chất lỏng ở thiết bị hở phải cách xa vùng có lửa ít nhất 10m. Chỉ được pha dung môi vào khối hóa chất lỏng khi nhiệt độ khối hóa chất lỏng thấp hơn nhiệt độ sôi của dung môi.

- Không dùng ngọn lửa trực tiếp soi sáng để tìm chỗ hở các đường ống dẫn, thiết bị chứa các hóa chất dễ cháy, nổ mà phải dùng nước, xà phòng hay các chất khác không có khả năng gây cháy, nổ với các hóa chất trong ống dẫn thiết bị.

- Phải có ống dẫn nước, hệ thống thoát nước; tránh sự ứ đọng của các loại hóa chất dễ cháy, nổ.

- Trong khu vực có hóa chất dễ cháy, nổ phải đảm bảo thông thoáng. Trường hợp sử dụng thiết bị thông gió thì khi xảy ra cháy phải lập tức dừng thiết bị thông gió lại để cháy không lan rộng ra những vùng khác.

Với hóa chất độc:

- Nơi có hơi khí độc, bụi độc phải thông gió tự nhiên và kết hợp với các biện pháp thông gió cưỡng bức để đảm bảo nồng độ chất độc trong môi trường làm việc không vượt quá nồng độ giới hạn cho phép theo quy định.

- Chất thải độc hại khác phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông, sử dụng phải được gom thu để xử lý.

- Khi tiếp xúc với hóa chất độc, phải sử dụng mặt nạ phòng độc phù hợp.

- Khi tiếp xúc với bụi độc phải dùng quần áo kín may bằng loại vải bông dày, có khẩu trang chống bụi, quần áo bảo vệ chống hơi bụi.

- Khi tiếp xúc với chất lỏng độc cần phải che kín cổ tay, chân, ngực. Khi làm việc với dung môi hữu cơ hòa tan phải mang quần áo bảo vệ không thấm và mặt nạ cách ly.

- Nơi có hóa chất độc phải có báo hiệu, tín hiệu báo động tình trạng thiếu an toàn của máy, thiết bị, cảnh báo các chặng sản xuất đặc biệt, báo “CẤM” như cấm đóng-mở máy, cấm tháo hơi nước... trong quá trình sản xuất.

Quy định, quy trình bảo quản:

Với hóa chất dễ cháy, nổ:

- Phải chia thành nhiều khu vực, kho riêng theo mức độ dễ cháy, nổ của các nhóm hóa chất, để bảo quản hóa chất được an toàn.

- Kho chứa hóa chất dễ cháy, nổ phải cách ly với nguồn lửa và nguồn nhiệt. Phải chấp hành nghiêm ngặt các quy định sau:

+ Cấm đem các vật gây lửa, tạo ra lửa vào kho, cấm chiếu sáng bằng lửa, chỉ được chiếu sáng bằng đèn phòng cháy, nổ. Cấm hàn hoặc làm những việc phát ra tia lửa điện gần kho dưới 20m;

+ Không đi giầy đinh hoặc có đóng cá sắt đem vào kho. Khi vận chuyển đồ chứa bằng kim loại, cấm quăng quật, kéo lê trên sàn cứng, cấm dùng các dụng cụ gây ra tia lửa;

+ Cấm để các vải lau, giẻ bẩn dính dầu mỡ trong kho;

+ Các xe chạy bằng Ắc-quy, thiết bị nâng, xúc bằng điện phải lắp động cơ an toàn phòng nổ.

- Cánh cửa kính nhà kho phải được sơn cản ánh sáng hoặc dùng kính mờ.

- Chất lỏng dễ cháy, bay hơi phải chứa trong các bao bì không rò rỉ và để trong hang hầm hoặc để trong kho thoáng mát, không tồn chứa cùng các chất oxy hóa trong một kho.

- Khi rót chất lỏng dễ cháy vào thùng kim loại tiếp đất vỏ thùng bằng miếng đồng hoặc nhôm, không tiếp đất bằng kim loại đen.

Với hóa chất độc:

- Phải bảo quản trong kho có tường và nền không thấm nước, không bị ảnh hưởng của lũ lụt, xa nơi đông dân cư, đảm bảo khoảng cách an toàn; phải có khóa bảo đảm, chắc chắn.

- Khi bảo quản, nếu cần san rót, đóng gói lại bao bì, không được thao tác ở trong kho mà phải làm ở nơi thông thoáng, đảm bảo vệ sinh an toàn, hoặc nơi có trang bị hệ thống hút hơi khí độc.

- Khi sử dụng các phương tiện cân đong hóa chất độc, đảm bảo không làm rơi vãi hoặc tung bụi ra ngoài.

- Trước khi vào kho hóa chất độc phải mở thông các cửa làm thoáng kho. Khi vào phải trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân.

Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114, sử dụng App BAOCHAY 114, thông tin cho Đội CS PCCC&CNCH - Công an quận Đống Đa qua số điện thoại 024.38832334 hoặc Công an Phường qua số điện thoại 024.38519503. Đồng thời tổ chức chữa cháy và tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn./.